Theo báo cáo “Về gia súc, gia cầm: Thị trường thế giới và tiêu thụ”, do Cục dịch vụ nông nghiệp nước ngoài (FAS) Mỹ lập, sản xuất thịt gà trên toàn thế giới đang tăng trưởng mạnh, nhất là tại châu Á. Thị trường thịt gà cũng cạnh tranh khốc liệt không kém mặt hàng nào và nhiều nước trên thế giới phải “đau đầu” vì vấn đề này.
Ngày nay, nhờ công nghệ tiên tiến mà gà được nuôi theo phương pháp công nghiệp có giá thành rẻ hơn thịt từ các loại vật nuôi khác rất nhiều. Thông thường, chỉ cần khoảng 2,5kg thức ăn, từ 1 chú gà mới nở, sau 6-7 tuần nó đã có trọng lượng khoảng 1,5kg. Tại các “nhà máy nuôi gà” ở Mỹ, sau khoảng 2 tháng, con gà đã nặng từ 3,5-4kg. Trong khi đó, chi phí thức ăn để thu được 1kg tăng trọng từ gia súc, như lợn, bò… phải khoảng 10kg.
Có thể nói, trong lĩnh vực nông nghiệp, đầu tư vào chăn nuôi gà theo phươg pháp công nghiệp là một trong những hướng đầu tư có hiệu quả nhất. Tại thị trường Nga, giai đoạn 2005-2007 khi mà thịt gà của Mỹ còn đang “làm mưa làm gió” ở đây (đáp ứng khoảng 40% nhu cầu về thịt gà cho người tiêu dùng Nga), Bộ Nông nghiệp LB Nga đã kết luận, tỷ suất lợi nhuận từ đầu tư vào ngành chăn nuôi gà đạt hơn 22%/năm. Điều đó có nghĩa là sau chưa đầy 5 năm hoạt động, con gà đã trả lại “quả trứng vàng” cho nhà đầu tư.
Năm 1989, dù khi đó Liên Xô đang ngấp nghé bên bờ vực sụp đổ, ngành công nghiệp sản xuất thịt gà tại đây vẫn được coi là đủ sức cạnh tranh với bất kỳ đối thủ nào trên thế giới. Những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, sản xuất thịt gà ở Nga giảm hơn 7 lần. Mặc dù Mỹ đã nhanh chân thống lĩnh thị trường này, nhưng do sức hấp dẫn về hiệu quả như đã phân tích, các doanh nghiệp tư nhân đã bắt đầu đầu tư khá mạnh mẽ vào chăn nuôi gà. Đến đầu những năm 2000, nhờ được Chính phủ hỗ trợ thông qua những chính sách và chương trình rất cụ thể, nước Nga đã “thoát Mỹ” và tự đáp ứng được nhu cầu về thịt gà.
Mỹ đã và đang đứng đầu trong tốp 3 của ngành công nghiệp sản xuất thịt gà thế giới. Kế tiếp Mỹ là Trung Quốc và sau đó là Brazil. Theo số liệu của Tổ chức nông lương thế giới (FAO) và Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng thịt gà (gà đã mổ thịt) hàng năm trên khắp toàn cầu khoảng 87 triệu tấn, trong đó của Mỹ là khoảng 17 triệu tấn/năm (chiếm gần 20% thị phần toàn cầu), Trung Quốc khoảng 14 triệu tấn/năm và của Brazil khoảng 11 triệu tấn/năm. Năm 2008, thịt gà do Mỹ sản xuất chiếm hơn 22% thị phần của cả thế giới, nhưng hiện nay “ngôi Vương” của Mỹ đang bị các nước khác “lấn sân”.
Mỹ không chỉ là “cường quốc sản xuất thịt gà” mà còn là quốc gia cực kỳ “thực dụng” qua cách tiêu thụ các sản phẩm từ một con gà thịt. Ví dụ, chân và cánh gà có lẽ không ở đâu trên thế giới dễ tiêu thụ như ở Trung Quốc, còn đùi gà thì Nga và Mexico là hai thị trường “màu mỡ”.
Theo báo cáo “về gia súc, gia cầm: Thị trường thế giới và tiêu thụ”, do Cục dịch vụ nông nghiệp nước ngoài (FAS) Mỹ lập, thì sản xuất thịt gà trên toàn thế giới đang tăng trưởng mạnh, nhất là tại châu Á. Khu vực này chiếm khoảng trên 30% sản lượng thịt gà của toàn cầu. Theo dự báo, tăng trưởng trong lĩnh vực này tại Trung Quốc trong năm tới sẽ là 2,9% và ở Brazil là 2%.
Đa dạng hóa thị trường
Trong thời kỳ cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, Nga và Trung Quốc là hai “đầu ra kếch xù” cho phần còn lại của con gà Mỹ. Thời kỳ cao điểm, lượng thịt gà (chủ yếu là đùi gà) mà Nga nhập của Mỹ trên dưới 1,5 triệu tấn/năm. Nhiều năm liền thị trường Nga luôn “ngốn” khoảng ¼ tổng lượng thịt gà mà Mỹ xuất khẩu. Còn Trung Quốc cũng tiêu thụ mỗi năm khoảng nửa triệu tấn thịt gà của Mỹ.
Mặc dù giá trị của một triệu rưỡi tấn thịt gà không phải là quá lớn, nhưng đằng sau những chiếc đùi gà này mới là đầy rẫy những vấn đề. Phó chủ tịch Uỷ ban về chính sách công nghiệp chế biến nông sản LB Nga Sergey Lisovski nhận định: “Trong lĩnh vực sản xuất, để thu được 1 USD thực tế từ sản phẩm phải cần có từ 100-200 USD. Đây là tiền đầu tư cho sản xuất, marketing, cổ phiếu… Vì thế, với 1 tỷ USD tiền thịt gà mà Mỹ không nhận được từ thị trường Nga hàng năm, tổn thất và hậu quả mà ngành công nghiệp chăn nuôi của Mỹ sẽ vô cùng lớn. Trong lĩnh vực tài chính sẽ có từ 150-200 tỷ USD tiền đầu cơ “đội nón ra đi”".
Sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường thịt gà đã buộc các nhà làm chính sách của Mỹ và các thương gia của nước này phải tích cực đi tìm thị trường tiêu thụ cho mình. Cụ thể như Tyson, một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này đang mở rộng đầu tư vào chăn nuôi và mổ thịt gà tại Trung Quốc, Nga, Ấn Độ…, còn Sanderson thì đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của mình tại các thị trường như Mexico, các nước SNG thuộc Liên Xô cũ và tại khu vực châu Phi.